Ban Nội chính Trung ương: Hội thảo kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp
22/01/2021 12:46
Ngày 21/01/2021, Ban Nội chính Trung ương đã tổ chức Hội thảo kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - Thực trạng và giải pháp. Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương, Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì Hội thảo.
Theo báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều đổi mới nhận thức về kiểm soát quyền lực, chú trọng ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng nói riêng. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng đã được đẩy mạnh, từng bước hoàn thiện; đã hình thành một bước cơ chế phòng ngừa chặt chẽ theo hướng bảo đảm "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng.
Qua tổng kết công tác công tác phòng, chống tham nhũng trong 08 năm vừa qua, có thể khẳng định rằng, chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Bộ Chính trị giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng Đề án "Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng".
Các đồng chí chủ trì Hội thảo (Ảnh: Tạ Anh Hưng)
Tại Hội thảo có 14 phát biểu tham luận, chủ yếu tập trung làm rõ nội hàm của kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng; đánh giá cơ bản thực trạng kiểm soát quyền lực chính trị, kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta góp phần phòng chống tham nhũng; nhận diện và cơ chế phòng, chống "lợi ích nhóm" và "tham nhũng chính sách" trong hoạt động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật.
Các đại biểu cũng đi sâu vào phân tích những sơ hở, bất cập và hạn chế trong thực thi cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công và những giải pháp khắc phục; trong thực thi cơ chế, chính sách, pháp luật về đầu tư công, mua sắm công và quản lý đất đai. Đồng thời, các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp; các giải pháp bảo đảm để cán bộ, công chức "không thể", "không dám", "không muốn", "không cần" tham nhũng trong điều kiện ở nước ta hiện nay.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương ghi nhận, đánh giá cao chất lượng các ý kiến tham luận tại Hội thảo, tiếp thu làm cơ sở cho việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội thảo (Ảnh: Tạ Anh Hưng)
Thống nhất với các ý kiến đề xuất giải pháp cơ bản, có tính chất nền tảng nhằm kiểm soát quyền lực, gồm: (1) Quán triệt nguyên tắc, mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu, trách nhiệm đến đó; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng quyền lực; từ đó, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực cụ thể trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao; (2) Quy định cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu; các văn bản của Đảng, Nhà nước có nội dung quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền của tổ chức, cá nhân thì đồng thời phải có quy định về kiểm soát quyền thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và chế tài xử lý vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ; (3) Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, trách nhiệm người đứng đầu trong hoạt động công vụ; kiểm soát tài sản, thu nhập; thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát của Nhân dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp đối với hoạt động của bộ máy Nhà nước và của Đảng; (4) Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên trong, kiểm soát lẫn nhau và kiểm soát từ bên ngoài đối với các cơ quan trong thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; (5) Các quy định về kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực về phòng, chống tham nhũng nói riêng phải phù hợp với thể chế chính trị của nước ta; tuân thủ các nguyên tắc tổ chức của Đảng và Nhà nước và đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng thống nhất với các ý kiến đề xuất một số giải pháp sau: (1) Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác tổ chức, cán bộ; về thực hiện dân chủ trong Đảng; về chế độ tự phê bình và phê bình; về trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng; (2) Tiếp tục hoàn thiện, thực hiện nghiêm quy định về công chức, công vụ, bảo đảm chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời chú trọng kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động công vụ; (3) Khẩn trương hoàn thiệc các quy định về tăng cường kiểm soát quyền lực đối với các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng; (4) Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tập trung rà soát, ban hành mới hoặc sửa đổi những quy định không thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực; (5) Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để ngăn chặn “lợi ích nhóm” trong xây dựng pháp luật; (6) Hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về báo chí, thông tin để vừa phát huy vai trò to lớn của báo chí trong phòng, chống tham nhũng; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan báo chí.