Nhu cầu thép trong ngành sản xuất của Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất trong 6 năm, nhưng triển vọng xuất khẩu vẫn ảm đạm
Làn sóng xuất khẩu ồ ạt trong tháng 3 trước khi các mức thuế quan mới có hiệu lực đã góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ có thể làm suy yếu đà tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục tăng cường các gói trợ cấp tiêu dùng nhằm kích thích nhu cầu nội địa.
25/04/2025 18:49
Nhu cầu tiêu thụ thép trong ngành sản xuất của Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong gần sáu năm qua vào tháng 3 năm 2025, theo dữ liệu chính phủ được Platts phân tích. Tuy nhiên, triển vọng xuất khẩu trong ngắn hạn lại đang đối mặt với nhiều rủi ro do các rào cản thuế quan ngày càng gia tăng.
Theo Pllats, chỉ số sản xuất của ngành tiêu thụ thép đạt 149 điểm trong tháng 3, tăng 16 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số này dựa trên dữ liệu sản xuất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, phân tích 18 mặt hàng công nghiệp sử dụng nhiều thép, được chia theo 7 nhóm ngành và tính trọng số theo mức độ tiêu thụ thép.
Các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng bao gồm việc chính phủ Trung Quốc tăng trợ cấp cho việc nâng cấp thiết bị trong nước và các chương trình đổi hàng tiêu dùng. Ngoài ra, làn sóng xuất khẩu các hàng hóa tiêu thụ nhiều thép trước thềm căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang cũng góp phần thúc đẩy sản xuất trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, kể từ từ tháng 4, khi Mỹ nâng thuế nhập khẩu từ Trung Quốc lên tới 145%, các nhà sản xuất Trung Quốc ngày càng gặp khó khăn trong việc duy trì đơn hàng xuất khẩu, khiến hoạt động sản xuất và nhu cầu tiêu thụ thép có thể sụt giảm đáng kể trong tháng 4 hoặc tháng 5.
Một số nguồn tin cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, chưa rõ ràng rằng liệu các biện pháp kích cầu này có đủ sức bù đắp những tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế hay không.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy trong tháng 3, cả 7 nhóm ngành – bao gồm máy móc, xe cộ, đóng tàu, thiết bị gia dụng, phát điện, container và thiết bị đường sắt – đều ghi nhận mức tăng sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2025, giá trị mua sắm thiết bị trong nước tăng 19% so với năm trước, vượt mức tăng 18% của giai đoạn tháng 1-2 và mức tăng 15,7% của cả năm 2024.
Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng cũng tăng 4,2% trong quý I, cao hơn mức 4% của tháng 1-2 và 3,5% trong cả năm 2024. Chính phủ Trung Quốc được cho là đã tăng cường chính sách hỗ trợ tiêu dùng nội địa thông qua các khoản trợ cấp cho nâng cấp thiết bị và chương trình đổi hàng tiêu dùng.
Trong khi đó, xuất khẩu của Trung Quốc cũng ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 3 khi các nhà xuất khẩu gấp rút giao hàng theo hợp đồng đã ký giữa bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm cơ khí và điện – nhóm ngành sử dụng nhiều thép nhất – tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng 4,2% của tháng 1-2 và 7,5% trong cả năm 2024.
Tuy nhiên, động lực xuất khẩu này được dự báo sẽ suy giảm từ tháng 4 do thuế nhập khẩu của Mỹ tăng và chính sách thương mại toàn cầu trở nên khó lường. Các nhà sản xuất thép cho biết nhiều khách hàng sản xuất hạ nguồn đã bắt đầu chứng kiến sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu từ đầu tháng 3 – khi Mỹ nâng thuế lên 20% cho mọi mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Việc thuế nhập khẩu của Mỹ tăng mạnh lên 145% trong đầu tháng 4 buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc phải tìm kênh tái xuất khác hoặc đối tác thay thế, điều này có thể khiến hoạt động sản xuất chậm lại trong ngắn hạn.
Thêm vào đó, chính sách thương mại không chắc chắn từ Mỹ có thể kéo theo suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa và thép sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy Trung Quốc đã lên kế hoạch tăng gấp đôi ngân sách trợ cấp cho chương trình đổi hàng tiêu dùng lên 300 tỷ Nhân dân tệ trong năm 2025, từ mức 150 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 20,51 tỷ USD) năm trước, nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, nhưng nhiều chuyên gia trong ngành thép vẫn nghi ngờ liệu các biện pháp kích cầu nội địa có đủ sức bù đắp tác động tiêu cực từ thị trường quốc tế.
T.L