Ngành thép châu Âu đối mặt với thách thức, EC khởi động đối thoại chiến lược

Ngành thép châu Âu đang chịu áp lực lớn do chi phí năng lượng tăng cao và những thách thức trong quá trình khử carbon. Các ưu tiên hiện tại bao gồm các biện pháp thương mại, Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), năng lượng sạch với giá cả hợp lý và duy trì nguồn thép phế liệu trong khu vực.

06/03/2025 13:02

Hiệp hội Thép Châu Âu (EUROFER) đã hoan nghênh và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sáng kiến của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Bà Ursula Von der Leyen, về việc tổ chức Đối thoại Chiến lược về ngành thép.

Thách thức nghiêm trọng đối với ngành thép châu Âu

Vào ngày 4/3, Chủ tịch EC, Bà Ursula Von Der Leyen, đã khởi động đối thoại chiến lược lược về tương lai của ngành thép và tìm ra giải pháp cho những thách thức cấp bách của ngành thép châu Âu.

Hiện tại, ngành thép EU đang phải đối mặt với chi phí sản xuất gia tăng do giá năng lượng cao, trong khi giá sản phẩm lại giảm do tình trạng dư thừa công suất toàn cầu và nhu cầu suy giảm. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đầu tư vào công nghệ thép xanh, yếu tố then chốt trong lộ trình giảm phát thải.

Ông Axel Eggert, Tổng Giám đốc EUROFER, nhấn mạnh: "Ngành thép châu Âu đang đối diện với những thách thức mang tính sống còn cần được giải quyết khẩn cấp". Ông đánh giá cao sự công nhận của EC đối với những khó khăn này và cam kết hợp tác với ngành để tìm ra giải pháp hiệu quả. EUROFER đã nhấn mạnh bốn lĩnh vực ưu tiên cần được tập trung ngay lập tức:

    1. Thương mại: Cần thắt chặt các biện pháp tự vệ hiện có và xây dựng cơ chế thuế quan toàn diện để đối phó với tình trạng dư thừa công suất thép toàn cầu.
    2. CBAM: Một cơ chế CBAM mạnh mẽ là điều thiết yếu để ngăn chặn tình trạng rò rỉ carbon và duy trì năng lực cạnh tranh của thép EU trên thị trường xuất khẩu.
    3. Năng lượng: Việc đảm bảo năng lượng sạch với giá cả hợp lý là yếu tố then chốt đối với khả năng cạnh tranh của ngành, trong đó cần tập trung chuyển lợi ích từ năng lượng tái tạo đến người tiêu dùng.
    4. Thép phế liệu: Việc giữ lại nguồn tài nguyên này trong khu vực là rất quan trọng nhằm hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn và củng cố an ninh năng lượng.

Ông Eggert cảnh báo về tình trạng suy giảm công suất và việc làm trong ngành thép Châu Âu, trong khi các khoản đầu tư vào khử carbon đang bị đình trệ. "Các mức thuế quan của Mỹ đang cận kề, và đã đến lúc không thể tiếp tục những biện pháp nửa vời", Ông nhấn mạnh.

Vai trò quan trọng của ngành thép trong nền kinh tế châu Âu

Ngành thép là một phần quan trọng của nền kinh tế EU, đóng góp khoảng 80 tỷ EUR (84 tỷ USD) vào GDP và vận hành khoảng 500 cơ sở sản xuất trên 22 quốc gia thành viên. Thép là nguyên liệu cốt lõi của nhiều ngành công nghiệp quan trọng, từ ô tô, xây dựng, quốc phòng đến công nghệ xanh, xe điện (EV) và cơ sở hạ tầng.

Chủ tịch EC, Bà Ursula Von Der Leyen, nhấn mạnh: “Liên minh châu Âu của chúng ta được xây dựng trên nền tảng của than và thép. Thép có mặt ở khắp mọi nơi, từ năng lượng gió đến quốc phòng. Nhưng các nhà sản xuất thép châu Âu đang ở ngã rẽ, đối diện với thách thức của quá trình khử carbon và sự cạnh tranh toàn cầu không công bằng".

Cuộc đối thoại đầu tiên đã tạo ra nền tảng để EC và các bên liên quan bắt đầu định hình chiến lược phát triển ngành thép trong tương lai. Trước đó, EC đã thông qua Thỏa thuận Công nghiệp Sạch, một sáng kiến nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng giảm chi phí và giải quyết tình trạng dư thừa công suất toàn cầu. Thỏa thuận này đề ra các biện pháp thúc đẩy thị trường thép phát thải thấp và đẩy nhanh đầu tư, với cam kết tài trợ hơn 100 tỷ EUR cho sản xuất sạch tại EU.

Kết quả của quá trình tham vấn này sẽ góp phần xây dựng Kế hoạch Hành động về Thép và Kim loại, trong đó xác định các biện pháp ưu tiên theo từng lĩnh vực và chiến lược dài hạn để thay thế các biện pháp phòng vệ thương mại hiện có, dự kiến hết hiệu lực vào tháng 6/2026.

Chủ tịch EC đã giao nhiệm vụ cho Phó Chủ tịch Điều hành Séjourné trình bày Kế hoạch Hành động vào ngày 19/3 tới đây.

 T.L