Trung Quốc: mức tiêu thụ thép phế liệu khó đạt mục tiêu đề ra

Mức tiêu thụ thép phế liệu của Trung Quốc khó đạt mục tiêu 320 triệu tấn/năm theo "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về Phát triển Kinh tế Tuần hoàn" do Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đề ra. 

01/04/2025 17:02

Tháng 7/2021, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đã ban hành "Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về phát triển nền kinh tế tuần hoàn", theo đó nước này có kế hoạch tăng 23% sản lượng thép phế liệu tái chế lên 320 triệu tấn vào năm 2025 và tăng sản lượng kim loại màu tái chế lên 20 triệu tấn (trong đó mức tiêu thụ đồng, nhôm và chì tái chế lần lượt đạt 4 triệu tấn, 11,5 triệu tấn và 2,9 triệu tấn). Việc gia tăng nhằm đảm bảo nguồn cung và đáp ứng các cam kết về khí hậu của quốc gia.

Tuy nhiên, theo báo cáo quý mới nhất từ Cục Tái chế Quốc tế (BIR), mức tiêu thụ thép phế liệu nước này khó đạt được mục tiêu của Kế hoạch đề ra, trong khi việc sử dụng kim loại màu tái chế có khả năng đáp ứng mục tiêu phát triển đề ra.

Theo ông Ma Hongchang, chuyên gia tái chế khu vực Trung Quốc của BIR, việc sử dụng phế liệu thép trong 2024 bị ảnh hưởng bởi sự giảm sút trong ngành bất động sản Trung Quốc và hoạt động sản xuất tại các nhà máy thép trong nước không đạt kỳ vọng.

Năm 2024, tổng khối lượng tái chế của Trung Quốc tăng 3,5% so với năm 2023, đạt khoảng 407 triệu tấn với trên 10 loại tài nguyên phế liệu, bao gồm thép, kim loại màu, nhựa, giấy, lốp xe, sản phẩm điện/điện tử, ô tô, dệt may, thủy tinh và pin (trừ pin axit chì), theo báo cáo.

Trong tổng lượng 407 triệu tấn tái chế năm 2024, thép phế liệu tái chế đạt 260 triệu tấn, kim loại màu đạt 15,2 triệu tấn, nhựa đạt 21,5 triệu tấn và giấy đạt 68 triệu tấn. Ngoài ra, lượng lốp xe tái chế đạt 7,96 triệu tấn, thiết bị điện/điện tử đạt 4,5 triệu tấn, ô tô tái chế đạt 14 triệu tấn, dệt may đạt 4,9 triệu tấn, thủy tinh đạt 10,24 triệu tấn và pin (không bao gồm pin axit chì) đạt 780.000 tấn.

T.L